Sushi là món ăn Nhật Bản gồm thành phần chính là cơm (được trộn với giấm hỗn hợp awasesu), nguyên liệu hải sản và có thể kèm rong biển, tảo biển hoặc rau.
Cơm là thành phần chính trong sushi. Về mặt dinh dưỡng, gạo màu nâu sẽ tốt hơn màu trắng do có hàm lượng chất xơ cao hơn. Nhưng sushi còn bao gồm nhiều thành phần khác.
Sashimi là món ăn chỉ bao gồm những miếng cá (cá ngừ, cá hồi, cá kiếm), lươn và bạch tuộc - tất cả đều còn sống và được thái thành từng lát vừa ăn. Nếu hải sản sống là thành phần chính thì món ăn được gọi là sashimi. Nhưng nếu thêm cơm trộn giấm vào để ăn cùng với sashimi thì được gọi là sushi.
Sushi cũng chia thành nhiều loại khác nhau. Ví dụ khi cơm và các nguyên liệu khác được ép bằng tay, có dạng dài thì được gọi là nigiri sushi, khi được cuốn trong một cuộn thì có tên là maki sushi, và nếu cuộn ngược cơm bên ngoài thì gọi là uramaki.
Vì một phần nguyên liệu làm nên sushi không được nấu chín, nhiều người lo ngại ăn sushi có bị sán không. Vậy nhìn chung thì ăn sushi có tốt không?
Nấu chín thức ăn có thể giết chết vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh. Tuy nhiên, một số người thích kết cấu và hương vị của cá sống. Sushi và sashimi đặc biệt phổ biến ở Nhật Bản và nổi tiếng trên toàn thế giới.
Liên quan đến thắc mắc ăn sushi có bị sán không, các chuyên gia cho biết thường xuyên ăn cá sống làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, mặc dù tỷ lệ khá hiếm. Một nguy cơ khác là ngộ độc thực phẩm. Do đó những người có hệ miễn dịch yếu nên tránh ăn thịt và cá sống nói riêng, hay sushi nói chung. Ngoài ra, cá nấu chín cũng giúp giảm mức độ của một số chất gây ô nhiễm, bao gồm PCB, PBDEs và thủy ngân.
Ngược lại, nếu cá không chứa chất gây ô nhiễm thì việc ăn sống sẽ cung cấp cho bạn nhiều chất dinh dưỡng hơn, điển hình là axit béo omega-3 chuỗi dài. Nhìn chung, một số chất lượng dinh dưỡng nhất định có thể suy giảm khi cá được nấu chín. Thay vì chiên, ăn cá sống cũng giảm bớt được lượng dầu mỡ, cholesterol và calo đáng kể. Ngoài lý do ăn sushi có tốt cho sức khỏe, dùng các món cá sống còn giúp duy trì sự đa dạng văn hóa ẩm thực giữa các quốc gia.
Các đầu bếp chuyên nghiệp sẽ có cách xử lý riêng biệt để đảm bảo vị ngon và độ an toàn cho món sushi. Cách đơn giản để loại bỏ ký sinh trùng trong cá sống là đông lạnh sâu ở mức nhiệt -4°F (-20°C) trong ít nhất 7 ngày. Đóng băng cũng giúp ngăn chặn vi khuẩn phát triển, nhưng không giết chết tất cả chúng.
Là một trong những thực phẩm có hàm lượng axit béo omega-3 cao nhất, cá hồi trở thành lựa chọn tuyệt vời trong nhiều món sushi. Nhưng cần lưu ý đến loại nước sốt và các nguyên liệu kèm theo khác vì chúng có thể làm tăng chất béo và calo.
Đây cũng là một nguồn cung cấp omega-3 tốt và xứng đáng trở thành lựa chọn phổ biến cho món sushi. Tuy nhiên bạn phải cẩn thận với một số loại cá ngừ - ví dụ như cá ngừ mắt to, loại cá này có chứa nhiều thủy ngân. Bạn vẫn được an toàn nếu dùng một khẩu phần mỗi tuần, ngay cả đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Ngoài ra cũng nên chú ý đến chả cá ngừ cay và những nguyên liệu kèm theo như nước sốt giàu chất béo và calo.
Bơ là một nguyên liệu quen thuộc trong nhiều cuộn sushi, có thể dùng kèm với cá và rau, hay chỉ đơn giản là bơ, cơm và rong biển. Bơ có nhiều chất béo và chất xơ tốt cho tim, cũng như dồi dào các chất dinh dưỡng khác. Tiêu thụ sushi bơ có thể giúp cho thận, tim và dây thần kinh của bạn hoạt động tốt hơn.
Các món sushi không nhất thiết phải bao gồm cá sống. Đối với những người không thích hải sản hoặc ăn chay, thì sushi kết hợp giữa bơ, dưa chuột, cà rốt, nấm, hành tây, măng tây và đậu phụ... là sự lựa chọn tốt cho sức khỏe. Những nguyên liệu này luôn có sẵn trong các siêu thị, cũng như nhà hàng sushi. Ngoài ra, gừng ngâm cũng là một loại gia vị phổ biến để ăn kèm với sushi, có tác dụng làm sạch vòm miệng trong khi bạn ăn.
Đây là một món sushi kinh điển, cuộn kiểu California bao gồm các thành phần như: gạo, rong biển nori, bơ, dưa chuột và thanh cua (thường được làm từ cá, lòng trắng trứng, đường và các nguyên liệu khác). Loại sushi này thường được trình bày với kiểu cuộn ngược, nghĩa là phần cơm ở bên ngoài, rong biển và các thành phần khác ở bên trong (gọi là uramaki). Một cuộn sushi California sẽ là sự lựa chọn tốt cho sức khỏe nếu bạn không dùng kèm với các loại nước chấm và sốt có hàm lượng calo cao, ví dụ mayonnaise.
Đây là sự kết hợp của nhiều loại sushi khác nhau và được trình bày trong một khẩu phần. Nguyên liệu có thể bao gồm: thanh cua, cá hồi, tôm, ít nhất một loại cá ngừ và các loại cá khác. Đây cũng là biến thể của sushi cuộn kiểu California với tất cả các loại cá. Sushi cầu vồng có nhiều chất đạm cũng như chất béo lành mạnh từ cá và bơ. Tuy nhiên, bạn cũng chỉ nên ăn trong chừng mực cho phép.
Đây là một biến tấu của người phương Tây từ món sushi truyền thống Nhật Bản. Với thành phần chính là phô mai kem, sushi Philadelphia có nhiều chất béo bão hòa và cholesterol, lại rất ít chất dinh dưỡng. Ngay cả khi kết hợp với những nguyên liệu lành mạnh, như cá hồi hoặc bơ, nếu chúng không được làm bằng phô mai kem ít béo thì bạn vẫn nên hạn chế loại sushi này.
Ở Nhật Bản, loại cá này được coi là một nguyên liệu ngon để làm sashimi, sushi và salad cá sống (được gọi là poke). Tuy nhiên, FDA đã lo ngại về mức thủy ngân của nó và đưa cá marlin vào danh sách cần tránh đối với phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ nhỏ. Những người khác có thể ăn cá buồm với số lượng hạn chế để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Với phần thịt chắc, cá kiếm (tên tiếng Nhật: mekajiki) được xem là một nguyên liệu ngon để làm món sushi. Tuy nhiên, cá kiếm nằm trong danh sách FDA khuyến cáo nên tránh ở trẻ nhỏ và phụ nữ đang hoặc sẽ mang thai, cũng như bà mẹ cho con bú vì có hàm lượng thủy ngân cao.
Tương tự như cá kiếm, cá mập cũng có hàm lượng thủy ngân cao. Một phần sushi sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến bạn, nhưng nhìn chung thì trẻ em và phụ nữ nên tránh dùng món này.
Thành phần chính của sushi cuộn rồng là lươn, chứa nhiều protein, omega-3 và vitamin A, B12, và D. Nhưng sushi cuộn rồng thường được dùng kèm với nước sốt chứa nhiều calo. Hơn nữa, loài lươn unagi là một động vật đang bị đe dọa. Vì vậy tốt nhất là bạn nên tránh dùng.
Được biết đến như một loại cá saba ở Nhật Bản, cá thu tốt cho tim mạch nhờ hàm lượng protein, omega-3 và các chất dinh dưỡng khác. Đây cũng là một sự lựa chọn tuyệt vời cho món sushi. Nhưng chỉ có cá thu Đại Tây Dương được FDA khuyên dùng, còn cá thu hoàng đế lại nằm trong danh sách những loại cá nên tránh vì hàm lượng thủy ngân cao. Vì vậy bạn cần phân biệt được đâu là loại cá thu mình được phục vụ.
Tóm lại, việc ăn sushi có tốt không sẽ tùy thuộc vào loại cá và sốt bạn chọn dùng. Dù sao cá sống vẫn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ký sinh trùng và ngộ độc thực phẩm cao hơn nấu chín. Bạn có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách mua cá từ nhà cung cấp uy tín và đông lạnh sâu ở mức nhiệt -4°F (-20°C) trong một tuần để tiêu diệt tất cả ký sinh trùng. Cá rã đông cần được lưu trữ trong tủ lạnh và ăn hết trong vòng vài ngày. Nếu tuân thủ điều kiện bảo quản và chế biến cách chính xác, bạn có thể yên tâm thưởng thức món sushi ở tại nhà hay trong nhà hàng mà không cần quá lo lắng về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.